Thứ Sáu, 23 tháng 9, 2016

Đá viên giúp bé phát triển trí não

Cùng làm thí nghiệm phát triển trí não cho trẻ nhờ đá viên. Bạn sẽ thực sự ngạc nhiên đó.

Thí nghiệm 1: Nước nóng làm băng đá tan chảy

Để thực hiện thí nghiệm này, bạn cần chuẩn bị: 1 bát nước lạnh, 1 bát nước nóng (không quá nóng đến mức gây bỏng cho bé), những cục đá viên.

Cách tiến hành thí nghiệm:

Trước hết, bạn hãy để bé “kiểm tra” 2 bát nước bằng tay. Bé có thể học được 2 khái niệm đối lập nóng – lạnh luôn ở bước này. Bước tiếp theo, thả cùng lúc 2 cục đá lạnh vào 2 bát nước và để bé tiếp tục quan sát và sau đó hỏi bé đoán xem cục đá nào sẽ tan nhanh hơn.


Mục đích của thí nghiệm là cùng bé quan sát sự tan chảy của 2 cục đá và thảo luận kết quả với bé, xem bé đoán có đúng không.

Thí nghiệm 2: Mặt trời hay bóng râm?

Bạn cần chuẩn bị: Những viên đá lạnh và một không gian đảm bảo vừa có ánh nắng và bóng râm

Cách tiến hành thí nghiệm:

Trước khi thực hiện thí nghiệm, hãy nói chuyện với bé về việc làm sao các viên đá lại tan chảy được, và hỏi bé thử đoán xem, đá sẽ tan chảy nhanh hơn ở đâu: Dưới ánh nắng mặt trời hay trong bóng râm? Bước tiếp theo bạn hãy hướng dẫn bé để một viên đá lên bề mặt có ánh nắng chiếu vào và một viên khác bé để trong bóng râm. Sau đó hãy cùng bé quan sát sự tan chảy của 2 viên đá này và ghi lại kết quả với bé.

Với trò chơi này bạn hãy đặt câu hỏi tại sao viên đá nằm dưới ánh nắng mặt trời lại tan chảy nhanh hơn? Bạn cũng có thể để bé thử đứng ra chỗ có nắng, rồi lại đứng vào bóng râm, và hỏi bé có cảm thấy điều khác biệt không?

Thí nghiệm 3: Nhiều đá, ít đá

Bạn cần chuẩn bị: 2 cái bát, 2 chiếc cốc và các viên đá

Cách tiến hành thí nghiệm:

Trước hết, bạn để vào mỗi chiếc cốc 1 viên đá duy nhất. Ở 1 bát to, bạn cho vào 2-3 viên đá và bát to còn lại, bạn cho nhiều đá hơn, khoảng 10-15 viên. Sau đó bạn hãy để bé đặt 2 cái cốc đựng 2 viên đá vào giữa 2 bát đá, sao cho các viên đá bao quanh cốc. Ở thí nghiệm này, chủ đề thảo luận sẽ xoay quanh việc đoán viên đá trong cốc nào sẽ tan nhanh hơn? Cốc ở bát có ít đá, hay là cốc ở bát có nhiều đá hơn?

Ở các thí nghiệm này, nguyên tắc cần tuân thủ là bạn hãy dành thời gian cùng bé quan sát cho tới khi có kết quả và thảo luận kết quả cùng bé. Lưu ý, hãy để bé tự quyết định, không áp đặt ý kiến cá nhân của bạn cho bé.

Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, các bé 3-5 tuổi sẽ không sáng tạo và lười suy nghĩ nếu lúc nào người lớn cũng “ra lệnh” cho bé phải làm gì. Quá nhiều những áp đặt kiểu “cái này thế này, cái kia thế kia” sẽ hạn chế bé tự mày mò tìm ra câu trả lời. Bé sẽ mặc định rằng người lớn sẽ nói cho bé biết hết mọi điều, bé không cần tự khám phá nữa. Vì vậy, khi bé có được cơ hội để “thí nghiệm”, người lớn hãy tránh giảng giải quá nhiều về những điều đối với người lớn là đơn giản. Hãy để bé có thời gian để tự tìm hiểu thế giới và tự đặt câu hỏi.

Đừng cho con bú lúc tức giận bạn sẽ khiến bé bị tử vong

Sữa mẹ là thực phẩm hoàn hảo cho sự phát triển của trẻ, nhưng có đôi lúc sữa mẹ sẽ làm gây nguy hiểm cho trẻ.


1. Cho trẻ bú trong lúc tâm trạng buồn bực hoặc tức giận

Nhiều nghiên cứu khoa học đã chỉ ra rằng khi người mẹ tức giận, hệ thần kinh giao cảm bị kích thích sẽ phóng ra một lượng lớn noradrenalin và adrenalin (chất trung gian hóa học của hệ thần kinh giao cảm ) khiến mạch máu bị thu hẹp dẫn đến tim đập nhanh và huyết áp tăng cao. Các mẹ nên biết rằng sữa mẹ tiết ra trong khoảng thời gian đó không tốt cho trẻ bởi tác động của các hormone từ cơ thể mẹ tiết ra.

Nếu bé thường xuyên phải bú loại sữa này, các chức năng của một số cơ quan nội tạng quan trọng như tim, gan, thận, lá lách có thể bị ảnh hưởng, lâu dần sẽ khiến cho khả năng kháng bệnh của bé suy giảm, chức năng tiêu hóa kém. Bởi vậy trong thời gian cho con bú mẹ nên hạn chế tối đa sự nóng giận.

2. Cho bé bú sau khi tập thể dục xong


Trong quá trình vận động, cơ thể sẽ sản sinh ra axit lactic, sữa có chứa axit lactic sẽ bị chua và khiến bé chán ăn, ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ. Do đó, người mẹ khi đang trong thời kỳ cho con bú nên hạn chế vận động mạnh, và nghỉ ngơi sau khi tập thể dục rồi mới cho con ăn.

Nếu sau khi vừa vận động xong, mẹ nên nặn một ít sữa ra (khoảng từ 3 tới 5 ml ở cả 2 vú), chờ khoảng 30 phút rồi mới cho bú để lượng acid lactic giảm xuống.

3. Mặc quần áo bẩn cho con bú

Khi các mẹ nội trợ cơm nước cả ngày hoặc vừa đi làm về con đã khóc đói đòi ăn, nhiều chị em không ngần ngại…vạch áo ôm con cho bú ngay. Hành động này đã khiến một loạt các vi khuẩn, vi trùng đe dọa sức khỏe trẻ sẽ tiếp xúc với da, mũi của bé. Trẻ đòi ti mẹ không phải cấp bách đến mức không thể chờ được vài phút. Vì vậy, trước khi cho con bú chị em tốt nhất nên thay đồ ở nhà sạch sẽ rồi mới bế con.

4. Cho bú nằm dễ bị viêm tai giữa

Vì cổ họng của trẻ sơ sinh vẫn còn thẳng, ngắn nên khi cho con bú nằm, nếu trẻ bị sặc, sữa rất có thể sẽ chui vào trong ống tai, gây viêm tai giữa. Mặt khác, cho con bú nằm cũng dễ khiến bé bị nghẹt thở, nguy hiểm cho con.

5. Một nụ cười cũng có thể gây hoạ

Trẻ sơ sinh nở nụ cười sẽ khiến tất cả chúng ta cảm thấy thoải mái, tốt lành. Tuy nhiên nếu trong quá trình bú, tiếng cười của con có thể trở thành một “vũ khí” chết người. Khi trẻ cười to, thanh quản của bé mở, sữa có thể tràn vào gây sặc, nghẹt thở, thậm chí chết người. Vì vậy mẹ không nên trêu đùa con khi đang cho bé bú. Hãy lặng lẽ để con ăn và chỉ chơi đùa sau khi bé đã ợ hơi.

6. Cho con bú sữa mẹ uống kèm nước lọc

Lâu nay, các bà các mẹ sau khi cho con bú vẫn hay thường có thói quen cho trẻ sơ sinh uống nước lọc tráng miệng và sạch lưỡi. Vì quan niệm nước lọc lành, lại giúp bé đỡ táo bón nên một số chị em cho con uống “vô tội vạ” mà không hề biết rằng, trẻ sơ sinh uống nước lọc sẽ để lại rất nhiều hệ lụy.

Theo các bác sĩ Nhi khoa, nếu cho bé uống quá nhiều nước sẽ làm loãng nồng độ natri trong cơ thể. Số natri đó sẽ theo nước thoát ra bên ngoài cơ thể bé vì thận trẻ sơ sinh chưa hoàn thiện từ đó dẫn đến thiếu hụt natri. Trẻ bị thiếu natri có thể ảnh hưởng đến hoạt động của não. Do đó, biểu hiện đầu tiên của nhiễm độc nước ở trẻ sẽ là khó chịu, buồn ngủ và các dấu hiệu thay đổi tâm thần khác. Nếu cha mẹ cho rằng con đã bị ngộ độc nước, hay trẻ bị co giật, hãy gọi ngay cho bác sĩ.

Tốt nhất là không nên cho trẻ dưới 6 tháng tuổi uống nước. Ở giai đoạn này, sữa mẹ và sữa bột là nguồn dưỡng chất cần thiết nhất cho trẻ.

7. Mỗi lần cho trẻ bú quá lâu

Sữa mẹ có hàm lượng chất béo thấp trong khi protein lại khá cao, nếu trẻ bú càng lâu thì hàm lượng protein giảm dần còn hàm lượng chất béo lại tăng lên, dễ khiến trẻ bị đau bụng, tiêu chảy, nôn trớ.

Thời gian bú mỗi bầu vú là khoảng 10 phút. Trong 10 phút đó, hai phút đầu tiên bé có thể bú được khoảng 50% tổng lượng sữa có trong bầu vú. Hai phút tiếp theo bé có thể bú được 80-90% tổng lượng sữa, còn sáu phút cuối hầu như bé không bú được bao nhiêu. Tuy nhiên sáu phút này cũng vô cùng cần thiết bởi việc bú mút sẽ kích thích tuyến sữa để làm tăng thêm lượng sữa tiết ra cho lần bú sau.

Cách giúp bé 2 tháng tuổi phát triển toàn diện

Để bé 2 tháng tuổi phát triển toàn diện, bạn cần giúp bé các hoạt động để phát triển cảm xúc, các hoạt động thể chất và khả năng nhận thức.

1. Hoạt động giúp bé phát triển cảm xúc

Hãy dùng những động tác này để giúp bé thể hiện thật tốt nhé:

- Nhìn vào mắt bé và mỉm cười. Mỗi lần như thế hãy khuyến khích con bằng cách nói với bé “cười lên nào con” và lại mỉm cười lần nữa. Bé sẽ nhanh chóng nhận biết điều này thôi!

- Mỗi lần nâng bé lên, hãy ôm bé và nói thật lớn “mẹ yêu con”. Có thể bạn nghĩ bé quá nhỏ để nhận biết bất cứ thứ gì. Nhưng điều này lại giúp bé phát triển rất tốt về cảm xúc sau này.

- Bất cứ khi nào bé nhà bạn thấy một món đồ gì đó thú vị (ví dụ như 1 món đồ chơi), hãy cười với bé và nhìn bé bằng con mắt thật hạnh phúc. Điều này sẽ giúp cho bé bày tỏ cảm xúc của mình qua nét mặt đấy.

- Bạn càng thể hiện tình yêu với bé bằng cách ôm, hôn, mỉm cười, thì bé càng hiểu được sự quan trọng của việc chia sẻ cảm xúc của bé bấy nhiêu. Có vẻ như quá sớm cho 1 đứa trẻ 2 tháng tuổi, nhưng đây là thời điểm quan trọng để bé bắt đầu học những điều này rồi.


2. Hoạt động thúc đẩy phát triển khả năng nhận thức của bé

Những hành động sau đây sẽ giúp bé biết nghĩ và nhận thức được về môi trường xung quanh mình ra sao:

- Giới thiệu với bé về những cuốn sách.

- Ngồi xuống và đặt bé vào lòng. Bằng cách đó bạn có thể giúp bé nhìn quyển sách hay bức tranh với tư thế ngồi hoặc nửa nằm nửa ngồi, sao cho con thấy dễ chịu và thoải mái nhất.

- Cho bé xem những màu sắc tươi sáng, những bức tranh và nói cho bé biết đó là gì.

- Đọc to quyển sách để giúp bé tập trung tốt hơn. Điều này cũng có thể là bài học đầu tiên của bé về từ vựng và cách nói.

- Treo những đồ chơi lên cao cho bé, đặc biệt là đồ chơi có thể phát ra tiếng nhạc. Bé sẽ bị thu hút bởi vật có màu sắc tươi sáng và cố gắng tiếp cận những đồ này. Và bé cũng rất thích giai điệu âm thanh được phát ra.

- Bạn cũng có thể giúp bé phát triển nhận thức hàng ngày bằng cách bế bé trên tay và đứng cạnh cửa sổ hay cửa ra vào. Cho bé thấy thế giới bên ngoài với những toà nhà cao tầng, xe cộ…

- Mỗi khi cho bé ra ngoài đi dạo. Hãy chỉ những vật khác nhau và gọi tên chúng cho bé thấy.

- Hãy cho bé chơi với 1 chiếc gương không thể vỡ. Như thế bé sẽ được khuyến khích tạo những cảm xúc khác nhau trên gương mặt và bắt chước mình trong gương.

3. Những hoạt động thể chất

- Đây chính là “tummy time” cho bé hàng ngày (tummy time là phương pháp cho bé nằm sấp để phát triển cơ bắp và tránh bị bẹp đầu, nó rất tốt cho dạ dày của bé). Trước hết hãy trò chuyện với bác sĩ của bé và cho bé nằm sấp vài lần trong ngày. Và cũng nhớ hỏi bác sĩ bao nhiêu lần “tummy time” là đủ cho bé nhé.

- Đừng để “tummy time” quá dài, vì thời gian dài sẽ làm tổn thương cổ và lưng của bé, nó cũng làm cho bé không thoải mái. Để thời gian ngắn thôi, và cho bé nghỉ ngơi đủ trước khi tiếp tục “tummy time”.

- Massage lưng cho bé, xung quanh vùng vai, chân và tay để giúp những phần này khoẻ hơn.

- Đặt những đồ chơi bắt mắt, màu sắc bên cạnh bé, nhưng đừng để bé với được. Bé sẽ cố gắng để với tới đồ chơi nên sẽ phải căng cơ thể để cố gắng chạm được vào. Từ đó bé sẽ học được cách di chuyển như nào.


4. Phát triển kỹ năng xã hội cho bé

- Tương tác thật nhiều với bé. Nói chuyện với bé, nhưng không cần thiết phải nói bằng ngôn ngữ của bé. Hãy nói chuyện bình thường với ngôn ngữ người lớn và coi đó như công việc hàng ngày của bạn.

- Hãy chắc chắn rằng bé đang nghe bạn. Và hãy gọi tên bé khi bạn nói chuyện với bé. Từ đó bé sẽ nhận thức được tên mình và hiểu rằng bạn đang với chuyện với bé. Và bạn sẽ rất ngạc nhiên khi bé trả lời bằng những tiếng ê a của bé đấy. Lúc đó hãy khuyến khích bé tiếp tục bằng cách nhìn vào mắt bé nhé.

- Hãy cho bé ra ngoài thường xuyên, đặc biệt là những nơi đông người để bé được tiếp xúc với nhiều người và nhiều âm thanh khác nhau. Điều này sẽ giúp bé tương tác tốt hơn và không bị sợ hãi hay nhầm lẫn.

- Nhưng hãy chú ý đừng đưa bé đến những nơi quá đông và quá ồn ào nhé, vì bé có thể bị kích động và sợ hãi. Hãy từ từ để bé quen dần với cách tương tác với người khác.

- Hãy để bé nắm tay bạn mỗi ngày. Việc này sẽ tạo kết nối mạnh mẽ giữa bạn và bé

Tất cả những hoạt trên đây khá đơn giản đúng không nào? Cố gắng nhớ và làm hàng ngày cho bé nhé!

Phải làm gì khi bé uống ít sữa

Trẻ biếng ăn không chịu uống sữa, bạn phải làm gì để bé uống được nhiều sữa. Các mẹ cần tham khảo trường hợp dưới đây nhé !

Câu hỏi:

Con tôi 10 tháng rưỡi. Từ lúc sinh đến khoảng 4 tháng, cháu vừa uống sữa ngoài vừa bú mẹ. Đến nay thì dùng hoàn toàn sữa ngoài, hằng ngày uống rất ít sữa.

Mỗi ngày cháu ăn 3 bữa cháo, mỗi bữa trên 2 lưng bát con một chút, riêng bữa tối thì chỉ trên lưng bát. Ba bữa sữa tổng chỉ được khoảng 250ml một ngày. Bữa phụ cháu ăn thêm bơ hoặc một hộp váng sữa, một hộp sữa chua. Có hôm tôi thử cắt không cho cháu ăn thêm hoa quả, váng sữa để đến bữa sữa xem cháu có uống nhiều sữa hơn không nhưng tình hình cũng không khả quan, cháu cũng chỉ uống như mọi lần.

Xin bác sĩ tư vấn làm sao để tôi có thể cho cháu uống được nhiều sữa hơn


Trả lời


Bé nhà bạn đang trong tình trạng biếng ăn bởi vì với lượng sữa và ăn uống như vậy vẫn chưa đảm bảo. Bạn không nói rõ cân nặng và chiều cao của bé nên không đánh giá được sự phát triển của bé có đạt chuẩn không.

Lứa tuổi này một ngày bé cần uống 500-700 ml sữa, bao gồm sữa công thức theo lứa tuổi, ăn bổ sung ba bữa bột hoặc cháo nấu thay đổi trong ngày, ví dụ sáng ăn cháo thịt, trưa thay bằng cháo trứng, tối chuyển sang ăn cháo cá… để bé đỡ ngán. Mỗi bát cháo bạn có thể cho 30 g thịt hoặc cá, tôm..., rau lá một thìa cà phê như rau mồng tơi, rau cải, rau muống… và một thìa cà phê (tương đương 5ml) dầu, mỡ. Sau khi ăn khoảng một tiếng, cho bé ăn thêm hoa quả tươi như chuối, đu đủ, bơ, cam, quýt, xoài, dưa hấu… để bổ sung thêm vitamin và khoáng chất. Có thể sử dụng cho bé sữa chua để kích thích tiêu hóa rất tốt, lưu ý không nên cho bé ăn sữa chua lúc đói.

Chú ý: không nên cho bé ăn vặt, không ăn đồ ngọt như bánh, kẹo, bimbim, váng sữa… trước bữa ăn vì sẽ làm bé thấy ngang dạ không muốn ăn.

Việc cho bé uống sữa trong năm đầu tiên là rất quan trọng. Bạn có thể tận dụng cảm giác khát để dỗ bé uống sữa trước rồi mới uống nước sau. Nếu bé không chịu uống sữa bằng bình, có thể cho bé ăn bằng thìa, tuy mất thời gian và khó khăn hơn bình nhưng có thể bé ăn được nhiều hơn. Hiện tại bé uống ít, bạn có thể tăng dần 10ml mỗi lần để bé quen dần số lượng sữa. Bạn cũng có thể thay đổi loại sữa công thức khác có vị nhạt gần giống sữa mẹ xem có tiến triển tốt hơn không.

Nếu bé uống quá ít, bạn bổ sung thêm sữa chua sau khi ăn hoặc cho ăn thêm phomai bằng cách cho vào cháo hàng ngày nhưng tốt nhất là cho vào bữa cháo buổi sáng cũng bổ sung thêm được lượng canxi thiếu hụt do uống ít sữa.

Dỗ trẻ hết khóc chỉ trong một nốt nhạc

Khi trẻ quấy khóc phải làm như thế nào để trẻ nín khóc ngay lập tức. Dưới đây là một số cách dỗ trẻ hiệu quả mà các bạn nên áp dụng thử.

Khóc là phản ứng rất tự nhiên ở trẻ nhỏ khi thức dậy, đói, ốm, sốt… Khi trẻ khóc, các bà mẹ thường dùng nhiều cách làm thế nào để trẻ nín ngay lập tức. Dưới đây là một số cách dỗ trẻ hiệu quả mà các bà mẹ nên áp dụng thử.

Kỹ thuật bế "The Hold" thần kỳ của bác sĩ Mỹ

Mới đây, cư dân mạng xôn xao trước kỹ thuật dỗ trẻ "The Hold” của bác sỹ Nhi khoa Robert Hamilton. Cách làm này đơn giản nhưng giúp trẻ im thin thít chỉ trong vòng "1 nốt nhạc". Nhiều bà mẹ đã áp dụng kỹ thuật này ngay vào đời sống hàng ngày. Theo thống kê, với mọi trẻ em dưới 3 tháng tuổi trên toàn thế giới, phương pháp trên có hiệu quả rõ rệt.

Cụ thể phương pháp này được thực hiện như sau: Gấp hai tay trẻ áp vào ngực, dùng lòng bàn tay của bạn ôm lấy hai tay và ngực bé rồi nhẹ nhàng đặt sao cho cằm chạm vào hai ngón tay (ngón trỏ và ngón cái) của bạn, tay còn lại đỡ mông bé.

Tuy nhiên, cân nặng và hình thể của bé có độ tuổi lớn hơn sẽ khiến bạn gặp khó khăn nếu áp dụng phương pháp "The Hold". Vì vậy, bạn chỉ nên áp dụng phương pháp với trẻ từ 3 tháng tuổi trở xuống, chỉ cần làm thật nhẹ nhàng, bình tĩnh giúp trẻ đang khóc sẽ nín ngay lập tức.


Dỗ trẻ bằng tuyệt chiêu riêng của các bà mẹ Châu Á

Nhiều bà mẹ châu Á nói chung và người Việt nói riêng thường có tâm lý chiều chuộng con cái. Chính vì vậy, khi thấy con khóc, nhiều bà mẹ rất sốt ruột.

Các cách dỗ trẻ truyền thống của người châu Á thường áp dụng gồm có: Vỗ nhẹ vào lưng trẻ thật nhẹ nhàng, dùng ti giả cho bé ngậm,vừa bế vừa đi lại, đổi tư thế cho trẻ, cho bé bú hoặc ăn, thay tã lót, kiểm tra và điều chỉnh thân nhiệt của trẻ, cho bé ợ hơi, ôm ấp nhẹ vào cơ thể bé, nựng bé, đưa bé vào nơi yên tĩnh hơn, để bé soi gương, massage người bé, cho bé đi tắm, xoa đầu nhẹ, vuốt mũi.... Ngoài ra, thổi bong bóng cũng là một cách rất nên áp dụng để trẻ bị thu hút quên đi việc khóc thét.


Bé thích thú với trò chơi bong bóng

Dù thực hành theo cách nào cũng cần phụ huynh giữ được bình tĩnh và áp dụng đúng trình tự. Tùy theo mỗi cách có thể khiến trẻ mất tập trung hoặc gây sự chú ý để không khóc nữa.

Các bà mẹ hiện đại luôn biết cách để nuôi dạy con mình ngày càng dễ dàng hơn. Bằng cách kiên trì áp dụng những phương pháp trên, cơn khóc thét của con trẻ sẽ không trở thành nỗi ám ảnh kinh hoàng của các bà mẹ. Chúc các mẹ thành công nhé!

Hội chứng chậm nói Einstein ở trẻ

Hội chứng chậm nói Einstein ở trẻ  khiến trẻ gặp khó khăn trong giao tiếp. Hầu hết trẻ có triệu chứng này chỉ bắt đầu nói vào năm 3 tuổi hoặc phải đợi đến 4 tuổi.

Trẻ chậm nói nào thuộc nhóm “Hội chứng Einstein”?

1. Khả năng phân tích xuất sắc:

Những đứa trẻ này thường thích giải câu đố, chỉ số IQ đều khá cao. Từ tuổi lên hai, chúng đã có thể giải được những câu đó khó một cách dễ dàng. Chúng thích tham gia vào những hoạt động có sự xuất hiện của những con số, mô hình.

2. Ý chí mạnh mẽ

Những đứa trẻ thuộc nhóm “Hội chứng Einstein thường rất bướng bỉnh. Nếu bọn trẻ không thích điều gì, chúng sẽ ngay lập tức nói cho cha mẹ biết. Và bạn cũng đừng mong sẽ thuyết phục được chúng làm điều chúng không muốn.


3. Sở thích rất chọn lọc

Những em bé trong nhóm này thường rất thích âm nhạc và những bộ môn mang tính sáng tạo cao. Bọn trẻ có vẻ hoàn toàn lạc lõng so với những em bé khác, không có những sở thích về búp bê, ô tô thông thường. Khả năng tập trung cao. Khi quan tâm đến điều gì đó, khả năng tập trung của những đứa trẻ thuộc nhóm này là 100%, điều thường không thể xảy ra với những em bé cùng trang lứa.

4. Có đặc điểm gia đình khác thường

Những đứa trẻ thông minh, chậm nói trong nhóm nghiên cứu này thường có bố mẹ là những người có kỹ năng phân tích tốt. Bố mẹ và họ hàng của chúng thường làm việc trong các ngành nghề liên quan đến khoa học, toán học hoặc kĩ sư. Có ít nhất 26% các bố mẹ của những em nhỏ này đều có bằng sau đại học.


5. Chậm trễ trong khả năng tự đi vệ sinh

Những đứa trẻ này thường được báo cáo là khó khăn trong việc hòa nhập với bạn bè, chậm và kém kĩ năng tự đi vệ sinh. Trong cả hai nhóm trẻ được báo cáo, các em nhỏ mới biết đi vệ sinh ở độ tuổi từ 3,5 đến 4,5

6. Khả năng ghi nhớ từ rất sớm

Các phụ huynh của những trẻ trong nhóm nghiên cứu cho biết con của họ có một “trí nhớ siêu phàm”.

7. Khả năng tập trung cao

Khi quan tâm đến điều gì đó, khả năng tập trung của những đứa trẻ thuộc nhóm này là 100%, điều thường không thể xảy ra với những em bé cùng trang lứa.

Thứ Năm, 8 tháng 9, 2016

Kẹt giường trong lúc ngủ khiến bé gái rơi vào hôm mê sâu

Mẹ hoảng hồn khi phát hiện con gái 5 tháng tuổi bị kẹt vào giữa tường và thanh giường.

Các bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP HCM) ghi nhận bé hôn mê vì ngạt đường thở, nghi ngờ do bị vật cứng chèn ép vùng mặt. Kết quả chụp chiếu phim không ghi nhận bất thường ở vùng đầu cổ bé, riêng phổi bị viêm.


Bệnh nhi được hỗ trợ máy thở, nuôi ăn qua tĩnh mạch. Sau 5 ngày hôn mê, hiện bé đã tỉnh. Bé đã cai máy thở nhưng não có biểu hiện phù do tình trạng thiếu oxy lên não quá lâu. Các bác sĩ đang tiếp tục theo dõi sức khỏe cho bé.

Người nhà cho biết giường được kê cách xa tường. Trong giấc ngủ đêm, bé bị rơi và và kẹt lại ở khoảng trống giữa thanh giường và tường, khi được phát hiện thì đã mê man bất động. Các bác sĩ khuyến cáo, nhiều gia đình muốn có lối đi thuận tiện nên thường kê giường cách xa tường, có thể dẫn đến tai nạn cho trẻ. Chú ý các vật dụng chăn, màn cũng có thể khiến bé bị ngạt khi ngủ.

Theo VnExpress